Trang chủ » Kỹ Thuật Chụp Lia Máy (Panning)

Kỹ Thuật Chụp Lia Máy (Panning)

by Love.Midauso

Chụp lia máy là gì?

Chụp lia máy (panning) là kỹ thuật chụp ảnh mà ta di chuyển máy theo một đường ngang khi ống kính quét theo một vật thể đang chuyển động. Khi bạn di chuyển máy ảnh của mình theo cùng tốc độ với chủ thể thì chủ thể của bạn gần như chuyển động song song với ống kính. Kết quả thu được cảnh chủ thể đang chuyển động rõ rét trong khi môi trường xung quanh mờ nhòe.

Chụp lia máy để làm gì?

Có rất nhiều mục đích để ta sử dụng cách chụp này. Ví dụ như chụp các chủ thể di chuyển trên đường phố hoặc chụp các môn thể thao tốc độ: điền kinh, đua xe, trượt tuyết… Hay chụp quảng cáo: Xe hơi, xe máy, xe đạp… Với đặc tính làm nổi bật chủ thể bằng hiệu ứng như chuyển động với môi trường xung quanh, chụp lia máy thực tế đã trở thành một kỹ thuật chụp mà phóng viên thể thao nào cũng phải luyện.

khoảnh khắc kinh điển trong làng thể thao, trên ảnh Usanbolt cười mỉm khi vượt qua đối thủ phần thi 100m cho nam, 2016 Rio Olympics.

Chụp lia máy như thế nào?

Để giúp việc chụp lia máy (panning) đạt hiệu quả tốt nhất, ngoài việc theo dõi chuyển động của đối tượng và lia máy đúng hướng, người chụp cũng cần lưu ý đến tốc độ màn trập của máy ảnh – đây là một yếu tố quan trọng trong kỹ thuật chụp lia máy. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nguyên tắc giúp bạn thu được những bức hình panning ấn tượng.

Chụp lia máy đòi hỏi bạn phải giữ chắc tay và sử dụng tốc độ cửa trập chậm.

Đối với những cảnh chuyển động quá nhanh bạn nên sử dụng tốc độ màn trập ở mức trung bình (thường là 1/200 giây), còn đối với những cảnh chuyển động vừa phải bạn có thể sử dụng màn trập với tốc độ thấp khoảng 1/40 là được. Việc thiết lập tốc độ màn trập như thế nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ chuyển động của chủ thể bạn hướng đến.

Một điều mà bạn cũng cần chú ý tới đó là, tốc độ màn trập quá thấp rất dễ gây rung máy và làm mờ nhòe ảnh, nếu như bạn chưa phải là một người chụp lia máy thành thạo. Khi mới làm quen với kỹ thuật chụp lia máy này, thay vì tham lam mà đưa vào bức ảnh thật nhiều chuyển động, bạn nên điều chỉnh tốc độ màn trập ở mức vừa phải để cảnh chuyển động xuất hiện một chút trên bức ảnh. Khi đã tương đối thành thục với kỹ thuật này, bạn có thể sử dụng tới tốc độ màn trập chậm hơn để thu được cảnh chuyển động rõ nét hơn.

Tốc độ màn chập 1/50, f8, iso 100

Luôn đặt đối tượng ở giữa khung hình

Bạn luôn phải di chuyển máy ảnh theo sát chuyển động của đối tượng để mục tiêu mà bạn nhắm vào luôn nằm giữa khung hình. Có như vậy chủ thể trong bức ảnh mới hiện lên rõ nét nhất.

Chọn đối tượng có chuyển động chậm hơn khi mới chụp

Nếu vật thể của bạn chuyển động càng nhanh đồng nghĩa với việc bạn chụp lia máy cũng sẽ khó khăn hơn. Khi đối tượng chuyển động quá nhanh, bạn sẽ khó kiểm soát được mục tiêu và đưa nó về giữa khung hình. Vì vậy, khi mới bắt đầu tập chụp với kỹ thuật này, hãy chọn cho mình khung cảnh mà ở đó đối tượng di chuyển ở tốc độ vừa phải.

Không phải cứ chụp lia máy cho chủ thể sắc nét 100% mới là đẹp

Việc chụp lia máy không phải lúc nào cũng đảm bảo đối tượng bạn nhắm tới luôn rõ nét toàn phần. Trong rất nhiều trường hợp, những bức ảnh chụp lia máy bị mờ một phần sẽ gây ấn tượng và độc đáo hơn nhiều so với những bức ảnh đối tượng sắc nét 100%. Chẳng hạn như trong một buổi chụp thể thao, bạn cần có đa dạng các thể loại ảnh hơn là chỉ tồn tại những bức ảnh chụp lia máy trong cả bộ sưu tập đó.

Nhìn chung, cách chụp này tưởng chừng đơn giản dễ học, dễ thực hành, nhưng thực tế lại khác rất nhiều. Khi chụp lia máy, bạn phải tập cao độ để phản xạ quét ngang máy ảnh sao cho có cùng tốc độ với vật mẫu di chuyển ngang… Bên cạnh đó, bạn còn được luyện tập thêm độ nhạy bén, dự tính được hành động sắp xảy ra, nhạy bén trong việc quan sát, chú ý những điểm nhấn gây thích thú trong thời gian ngắn nhất và ở một môi trường phức tạp nhất.

Những mẹo chụp lia máy

 

  • Sử dụng tốc độ cửa trập chậm hơn tốc độ bạn thường sử dụng. Hãy thử tốc độ 1/40 và sau đó thử các tốc độ chậm hơn. Tùy thuộc vào điều kiện sáng và tốc độ của mẫu vật, bạn có thể sử dụng các tốc độ khác nhau, song nếu sử dụng tốc độ quá chậm ảnh có thể sẽ bị mờ do rung tay.
  • Chọn vị trí sao cho giữa máy ảnh và vật mẫu không có chướng ngại vật. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét cảnh vật xung quanh – nền của bức ảnh. Bạn có thể tập chụp lia máy tại các khu phố đông đúc. Tại đây, bạn sẽ không bao giờ thiếu mẫu vật để chụp.
  • Theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách ‘mượt’ nhất có thể. Nếu sử dụng ống dài hoặc không chắc tay, bạn có thể cần tới monopod hoặc tripod.
  • Để tránh mất nét bạn cần chọn vị trí để có thể theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách dễ dàng nhất.
  • Nếu tính năng tự động lấy nét (AF) ở các máy ảnh hiện đại là một lợi thế. Nhưng đây là chụp một vật thể chuyển động, đôi khi cảm biến hay chức năng lấy nét sẽ không hoạt động tốt trong môi trường ánh sáng yếu, cũng như phức tạp. Bạn hãy lấy nét sớm, khoá nét sớm một chút trước khi bấm máy.
  • Nhả cò hết sức mềm mại để tránh rung máy, và tiếp tục lia máy theo hướng chuyển động ngay cả khi đã nghe tiếng nhả cò. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng cho ảnh chụp từ đầu tới cuối.
  • Trong trường hợp máy bạn gặp hiện tượng shutter lag (nhấn cò một vài giây rồi ảnh mới được chụp), bạn cần phải làm quen với hiện tượng này và lựa chọn khoảnh khắc để chụp ảnh một cách cẩn thận hơn.
  • Sử dụng flash: Cũng giống như các kỹ thuật chụp ảnh khác, chụp lia máy không bị gò ép bởi bất kì luật lệ nào. Bạn có thể thử nghiệm sử dụng đèn flash khi chụp lia máy.

Sử dụng flash để hỗ trợ

Có thể thấy, đa phần những bức ảnh chụp lia máy luôn mang đến sự thu hút nhiều hơn những bức ảnh chụp theo cách thông thường. Bởi vậy, biết được cách chụp lia máy chính xác không chỉ giúp bạn gây ấn tượng đối với người xem mà còn giúp bạn không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc đáng giá nào của cuộc sống và lưu giữ chúng bằng những bức ảnh.

Một số bức ảnh lia máy.

Related Articles

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x