Trang chủ » Khi Sài Gòn bị ‘trọng thương’

Khi Sài Gòn bị ‘trọng thương’

by Love.Midauso

Những ngày giãn cách xã hội này Sài Gòn rất vắng, TP bị mất đi sức sống sôi động vốn có, cùng nhữngâu lo và tổn thất lớn vì đại dịch COVID-19. Thấy tình trạng “trọng thương” đang xảy ra vì dịch này mới thấy thương TP hơn.

Bây giờ, các công sở giảm số người làm trực tiếp chuyển qua làm việc online, nhiều công ty cho nhân viên làm việc ở nhà, những nhà máy lớn còn cho công nhân ở tập trung trong nhà máy, giảm đi lại để hạn chế nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm, phần lớn người dân tự giác ở nhà khi không có việc thật cần thiết phải ra đường…

Tình trạng giãn cách đồng thời làm tăng sự khó khăn cho cuộc sống vì Sài Gòn là đất làm ăn, nhiều người sống ở Sài Gòn một ngày có việc là một ngày có ăn, một ngày ngưng làm là một ngày thiếu đói, dù chỉ là việc đơn giản nhưng không thể thiếu ở một đô thị lớn như mua bán ve chai, phụ hồ, bán hàng rong, các loại dịch vụ cá nhân…

Đâu đâu cũng nhận thấy tình trạng này. Đầu hẻm nhà tôi có một siêu thị nhỏ, bên ngoài thường có mấy chị đi xe đạp chở theo hành tỏi, trái cây hay vài thứ đồ lặt vặt để bán cho mấy bà mấy cô đi siêu thị tiện mua luôn.

Mọi bữa thấy các chị treo trên xe một hộp cơm hay hộp bún, mì xào để ăn trưa nhưng cả tuần nay chỉ thấy một ổ bánh mì không hay hai ba củ khoai lang tím… Người đi siêu thị cũng vắng hơn, có mấy ai ghé mua hàng rong nữa…

Bước chân ra đường thấy những quán cà phê, tiệm ăn trên các con đường cũng tạm nghỉ mà chưa biết lúc nào được bán lại. Những ông bà già, trẻ em, người khuyết tật bán vé số trơ trọi dưới trưa nắng, chẳng còn ai ngồi quán xá mà vẫy tay mua giùm.

Đằng sau những hàng quán đóng cửa, đằng sau những con đường vắng vẻ là bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người lao đao vì chưa dính bệnh đã phải chịu thiếu đói, mặc dù người Sài Gòn vẫn tự trào “đường hết kẹt xe thì ta lại kẹt tiền!”.

Năm ngoái, cũng trong tình hình dịch bệnh, TP có nhiều cây “ATM gạo” cứu đói khẩn cấp cho những xóm nghèo, cho người cơ nhỡ. Người dân vẫn cùng nhau góp tiền góp gạo nấu những bữa cơm giúp bệnh viện, giúp khu vực nhiều người “đứt bữa” vì thiếu việc làm…

Năm nay phong trào này không rầm rộ như năm ngoái tuy vẫn có nhiều cá nhân, nhiều nhóm tình nguyện nấu cơm chia sẻ từng bữa cho bà con nghèo. Có lẽ qua gần hai năm chống chỏi với tình trạng làm ăn vô cùng khó khăn, “sức người có hạn” huống chi một TP lớn với bao nhiêu lo toan và nghĩa vụ thì càng dễ bị tổn thương.

Thấu hiểu những khó khăn của Sài Gòn, nhiều người đã chia sẻ bằng cách này cách khác để giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống khó khăn. Đó là lao động nghèo, là người bán ve chai, người bán vé số, người yếu thế…

Họ là những người bị “trọng thương” nhất trong đại dịch. Nhưng với trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền thì cần lắm một chính sách khẩn cấp và thiết thực ứng phó để có thể trợ giúp ngay hàng chục ngàn người thiếu đói vì dịch bệnh.

Cần lắm tiền hỗ trợ được phát ngay tận tay người dân, gạo hỗ trợ cần được đưa về từng gia đình, từng khu vực… Đừng để chỉ có “lá không lành đùm lá rách nát”, đừng để sau cơn “cảm cúm” nặng TP biến thành một cơ thể tàn tạ vì không đủ khả năng phục hồi.

Tôi vẫn luôn tin Sài Gòn của tôi, của chúng ta sẽ vững vàng vượt qua cơn đại dịch, nhưng chúng ta sẽ vững vàng hơn khi được sự đồng hành cũng là trách nhiệm thiết thực của chính quyền với từng mảnh đời gặp cảnh khốn khó lúc này.

NGUYỄN THỊ HẬU – TuoiTre Online Ngày 16/06/2021

Related Articles

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x